02 March, 2020
Đăng bởi Công ty cổ phần công nghiệp VIETGHA

HẦU HẾT CÁC ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM ĐỀU BỊ Ô NHIỄM NƯỚC NGẦM

Nguồn nước ngầm – chiếm 35 – 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị – đang suy giảm trữ lượng đồng thời bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều nơi, nguồn nước ngầm đang phải đối mặt với vấn đề xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng… Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo về quản lí tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên – Môi trường phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 20/5.

Hầu hết các đô thị đều ô nhiễm nước ngầm

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên -Môi trường), nguồn nước dưới đất của Việt Nam khá phong phú nhờ mưa nhiều. Hiện tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc đạt gần 20 triệu m3, tổng công suất của hơn 300 nhà máy khai thác nguồn nước này vào khoảng 1,47 triệu m3/ngày. Nhưng trên thực tế các nhà máy chỉ khai thác được 60 – 70% so với công suất thiết kế. Vấn đề đáng báo động là nguồn nước dưới đất của Việt Nam đang đối mặt với vấn đề xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm vi sinh và ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng, do khoan nước dưới đất thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ nguồn nước. Nhiều nơi đã phát hiện dấu hiệu ô nhiễm coliform vượt quy chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Tình trạng ô nhiễm phốt phát (P-PO4) cũng có xu hướng tăng theo thời gian.

Tại Hà Nội, số giếng khoan có hàm lượng P-PO4 cao hơn mức cho phép (0,4mg/l) chiếm tới 71%. Còn tại khu vực Hà Giang – Tuyên Quang, hàm lượng sắt ở một số nơi cao vượt mức cho phép trên 1mg/l, có nơi trên 15-20mg/l, tập trung chủ yếu quanh các mỏ khai thác sunphua. Ngoài ra, việc khai thác nước quá mức ở tầng holocen cũng làm cho hàm lượng asen trong nước dưới đất tăng lên rõ rệt, vượt mức giới hạn cho phép 10mg/l. Đặc biệt, vùng ô nhiễm asen phân bố gần như trùng với diện tích phân bố của vùng có hàm lượng amoni cao, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Rất nhiều sông ngòi ở Việt Nam đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nước ngầm.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Dự báo tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cũng cho thấy mực nước ngầm đang sụt giảm mạnh, chất lượng nước ở nhiều nơi không đạt tiêu chuẩn. Ở đồng bằng Bắc Bộ, mực nước ngầm hạ sâu, đặc biệt ở khu vực Mai Dịch (Cầu Giấy – Hà Nội). Vào mùa khô, 7/7 mẫu đều có hàm lượng amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Riêng ở Tân Lập (Đan Phượng – Hà Nội), hàm lượng amoni lên đến 23,30mg/l (gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép). Ngoài ra, còn có 17/32 mẫu có hàm lượng mangan (Mn) vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn, 4/32 mẫu có hàm lượng asen (As) vượt tiêu chuẩn…

Tại đồng bằng Nam Bộ, tại một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu, đặc biệt ở khu vực quận 12, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh). Hàm lượng mangan và metan cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Hiện nay, theo đánh giá của các nhà khoa học, chỉ có Tây Nguyên là vùng có tầng nước ngầm khá an toàn.

Nguồn nước ngầm ô nhiễm chủ yếu do tác động của sự phát triển công nghiệp, làng nghề cũng như sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Riêng với ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp giấy và bột giấy, hàm lượng nước thải có chứa xyanua (CN-) và hàm lượng NH3 vượt đến 84 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Năm 2012, cụm công nghiệp Tham Lương (TP Hồ Chí Minh) mỗi ngày xả thải lên 500.000m3.

Ở Thái Nguyên, nước thải công nghiệp từ các ngành sản xuất giấy, luyện gang thép, luyện kim màu… chiếm 15% tổng lưu lượng nước sông Cầu về mùa cạn. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, hầu hết các đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hà Nội có trữ lượng khai thác nước ngầm rất lớn, lên tới 1 triệu m3/ngày, trong khi TP Hồ Chí Minh khai thác 600.000 m3/ngày.

“Xử phạt vi phạm môi trường rất khó”

Bà Trần Thị Huệ, chuyên gia tài nguyên nước, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và khai thác tài nguyên nước – Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng: “Khó xử lí ô nhiễm nước ngầm hơn nước mặt, đòi hỏi thời gian và kinh phí lớn. Hiện nay nhiều địa phương vẫn khai thác nước ngầm với trữ lượng lớn: Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc… nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới suy kiệt”.

Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm chủ yếu bởi hoạt động xả thải của các cơ sở công nghiệp. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện tại (tối đa 500 triệu đồng) theo Nghị định 117 của Chính phủ được coi là vẫn chưa đủ sức răn đe.

Theo dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 117 đang được Bộ Tài nguyên – Môi trường soạn thảo, mức xử phạt vi phạm môi trường sẽ được nâng từ 500 triệu lên 2 tỉ đồng.

“Xử phạt vi phạm môi trường rất khó vì cần bắt quả tang. Trong khi đó, hệ thống giám sát của cơ quan Nhà nước còn hạn chế, cả về trang thiết bị và nhân lực, nên số vụ việc bị phát hiện và xử lý không nhiều” – bà Huệ khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để quản lý tốt nguồn nước ngầm, cần phải có qui hoạch, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm. Một số địa phương đã làm tốt điều này như Long An, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Tổng cục Môi trường cho rằng, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ngày càng khó khăn khi nhà máy vẫn mọc lên với mật độ dày đặc, trong khi việc xử lý nguồn nước thải chưa được nghiêm túc.

0 bình luận
Để lại bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

0936 763 883